7 tình huống xã hội để giúp trẻ ADHD tuổi teen rèn luyện kỹ năng giao tiếp

Bạn có thể giúp con bằng cách thực hành những tình huống xã hội thường gặp. Việc nhập vai sẽ giúp con rèn luyện kỹ năng và cảm thấy tự tin hơn.
1. Mời ai đó đi chơi
Sẽ có lúc con muốn mời một người đi chơi, nhưng điều này có thể khiến con cảm thấy áp lực, nhất là khi con không biết bắt đầu cuộc trò chuyện như thế nào.
► Hãy cùng con luyện tập cách mời trong nhiều tình huống khác nhau — có thể là đi ăn pizza cùng nhóm bạn sau giờ học hoặc hẹn hò xem phim riêng.
► Hãy đổi vai để con quen với nhiều cách phản ứng, bao gồm cả trường hợp bị từ chối. Việc trò chuyện cởi mở về hẹn hò sẽ giúp con cảm thấy thoải mái hơn khi tìm đến bố mẹ để xin lời khuyên và sự hỗ trợ.
2. Phỏng vấn xin việc
Buổi phỏng vấn xin việc đầu tiên luôn là một trải nghiệm hoàn toàn mới với hầu hết thanh thiếu niên. Nếu con gặp khó khăn trong giao tiếp hoặc thiếu kỹ năng xã hội, con có thể không biết phải nói gì hoặc làm gì khi đi phỏng vấn. Việc tập dượt trước với bố mẹ có thể giúp con tự tin hơn.
► Hãy thử hỏi con một số câu phỏng vấn điển hình như: “Điểm mạnh của con là gì?” hoặc “Tại sao con muốn làm công việc này?”
► Hướng dẫn con cách lắng nghe câu hỏi, xác định xem nên trả lời ngắn gọn hay chi tiết, và luyện tập cách trả lời. Đồng thời, giúp con nghĩ ra những câu hỏi phù hợp để hỏi nhà tuyển dụng.
3. Khi được mời uống rượu hoặc dùng chất kích thích
Thanh thiếu niên thường đối mặt với áp lực từ bạn bè khi bị rủ rê uống rượu hoặc dùng chất kích thích. Những bạn có khả năng kiểm soát hành vi kém, kỹ năng xã hội yếu hoặc thiếu tự tin càng dễ gặp khó khăn trong việc từ chối.
► Hãy cho con một số câu trả lời đơn giản để sử dụng, chẳng hạn như:
“Không phải bây giờ.”
“Mình không thích mùi vị đó.”
“Mình không uống đâu.”
► Quan trọng hơn, bố mẹ cần nhắc nhở con rằng con có thể gọi về bất cứ lúc nào để nhờ giúp đỡ, dù là để được đón về an toàn hay để thoát khỏi một tình huống khiến con khó chịu hoặc cảm thấy không an toàn.
4. Tham gia một câu lạc bộ ở trường
Tham gia câu lạc bộ là cách tuyệt vời để thanh thiếu niên khám phá sở thích mới. Nhưng đối với những bạn gặp khó khăn trong việc đọc hiểu tín hiệu xã hội hoặc làm việc nhóm, điều này có thể gây căng thẳng.
► Hãy chia nhỏ tình huống để con dễ dàng tiếp cận hơn. Một ý tưởng là tổ chức một trò chơi gia đình (chẳng hạn như đoán chữ hoặc chơi bài) mà con phải "tham gia" vào.
► Khi chơi, hãy hướng dẫn con cách giới thiệu bản thân, đặt câu hỏi, và nhận diện tín hiệu xã hội. Con cũng có thể luyện tập kiên nhẫn khi người khác đang nói và chọn thời điểm phù hợp để tham gia vào cuộc trò chuyện.
5. Trò chuyện tại một bữa tiệc
Việc bắt chuyện trong một bữa tiệc có thể khó khăn đối với nhiều thanh thiếu niên (và cả người lớn).
► Có một kịch bản sẵn sàng sẽ giúp con dễ dàng hơn. Hãy giúp con luyện tập một số câu mở đầu như:
“Bộ đồ của bạn đẹp quá!”
“Trang trí bữa tiệc đẹp thật.”
“Món ăn này ngon nhỉ!”
► Lập danh sách các chủ đề mà bạn bè đồng trang lứa quan tâm (trò chơi điện tử, phim mới, bài tập về nhà...). Sau đó, giúp con nghĩ ra những câu hỏi để bắt chuyện và nhập vai để thực hành các phản hồi khác nhau.
► Đồng thời, hướng dẫn con cách nhận biết tín hiệu xã hội để điều chỉnh cuộc trò chuyện hoặc chuyển sang chủ đề khác khi cần thiết.
6. Làm việc nhóm cho một dự án
Làm việc nhóm có thể rất thú vị nhưng cũng đầy thách thức, đặc biệt đối với những bạn có cách tư duy khác biệt. Có thể giáo viên sẽ tự chia nhóm, nghĩa là con không được chọn bạn cùng nhóm. Hoặc các thành viên khác trong nhóm đã quen chơi với nhau từ trước.
► Hãy nhập vai các tình huống khác nhau, bao gồm cả trường hợp con không đồng ý với ý kiến của nhóm.
► Hướng dẫn con cách nói những câu như:
“Hãy thử làm theo hai cách khác nhau rồi cả nhóm cùng bỏ phiếu xem cách nào tốt hơn.”
“Chúng ta nên chia công việc sao cho mỗi người phát huy thế mạnh của mình.”
Những kỹ năng này giúp con cảm thấy hòa nhập với nhóm mà vẫn có thể đóng góp ý tưởng và thể hiện điểm mạnh của mình.
7. Chào hỏi người lớn tại một buổi gặp mặt
Có thể từ nhỏ, con đã được dạy cách chào hỏi người lớn. Nhưng khi bước vào tuổi teen, con cần thực hành nhiều hơn.
► Hãy giải thích rằng ở độ tuổi này, chỉ bắt tay và nói “Rất vui được gặp bác” có thể chưa đủ.
► Hãy giúp con luyện tập các cách chào hỏi khác, bắt đầu từ những câu cơ bản như:
“Cháu chào bác, cháu là Michael, con trai của cô Mary.”
► Sau đó, hướng dẫn con mở rộng cuộc trò chuyện:
“Bác có họ hàng với ai trong bữa tiệc này ạ?”
“Bác sống gần đây không ạ?”
► Ngoài ra, con cũng cần thực hành cách kết thúc cuộc trò chuyện hoặc chào tạm biệt một cách lịch sự:
“Cảm ơn bác đã tổ chức buổi gặp mặt này ạ.”
“Hy vọng lần sau cháu lại được gặp bác.”
Điểm chính cần ghi nhớ
|
Nguồn tài liệu
Nội dung trong bài viết này được chuyển ngữ và biên tập từ bài gốc "7 social situations to practice with your teen (understood.org)".
Nguồn tin: understood.org
Xem thêm các tin khác
Làm thế nào để tránh việc bảo bọc con quá mức
Ai trong chúng ta cũng muốn bảo vệ con mình khỏi tổn thương. Và nếu con bạn có...
Cảm giác tội lỗi của ba mẹ có con ADHD: Mẹo để vượt qua cảm giác này
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy tội lỗi vì con mình gặp khó khăn trong học tập...
[Câu chuyện] Khi các hình phạt không còn hiệu quả với con gái mắc ADHD, tôi đã thay đổi cách dạy con như sau
Con gái tôi từ nhỏ đã bừa bộn, hay quên và thiếu tổ chức. Cách tôi xử lý những...